Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

Thủ tục Cải táng bốc mộ

Bài 1. Sưu tầm: nguồn Phong thủy Huyền không học. 15/12/2015
    Người xưa quan niệm số mệnh của một con người không chỉ phụ thuộc vào bản thân người đó (tức giờ ngày, tháng, năm sinh) mà còn chịu ảnh hưởng của âm phần và dương phần nên có câu “Nhất mộ, nhì phòng, tam bát tự”.
Mấy chục năm người ta sống trong căn nhà so với thiên thu an nghỉ dưới phần Mộ thì chỉ là một khoảng thời gian quá ngắn ngủi, chẳng những thế nhà cửa, biệt thự đất cát là của phù du có thể sang nhượng, đổi chác, mua bán chứ phần Mồ Mả, Lăng tẩm của Gia tiên thì vĩnh viễn không thay đổi được.

Những lý do cần cải táng
1 Người mất sau ba năm thì cải táng
2 Vì nhà nghèo, khi cha mẹ mất không tiền lo liệu, mua tạm một cỗ ván xấu, đợi xong ba năm thì cải táng, kẻo sợ ván mục nát hại đến thi hài
3 Vì chỗ đất mối kiến, nước lụt thì cải táng
4 Vì các thầy địa lý thấy chỗ mả vô cớ sụt đất, hoặc cây cối ở trên mả tự nhiên khô héo, hoặc trong nhà có kẻ dâm loạn điên cuồng, hoặc trong nhà đau ốm lủng củng, kiện tụng lôi thôi, thì cho là tại mả nên cải táng
5 Những người muốn cầu công danh phú quý, nhờ thầy địa lý tìm chỗ cát địa mà cải táng. Lại có người thấy nhà khác phát đạt, đem mả nhà mình táng gần vào chỗ mả nhà đó, để cầu được hưởng dư khí.
Khi nào không được cải táng 
Trong khi cải táng, lại có ba điều không cải táng 
1 là khi đào đất thấy có con rắn vàng thì cho là long xà khí vật.
2 là khi mở quan tài ra thấy có dây tơ hồng quấn quýt thì cho là đất kết 
3 là hơi đất chỗ đó ấm áp, trong huyệt khô ráo không có nước hay là nước đóng giọt lại như sữa là tốt,hoặc thi hài không tan hết, phải lập tức lấp lại ngay
Mả kết phát hoặc nở to ra
Con cháu đang ăn nên làm ra
Thì tuyệt đối không được cải táng.
Chuẩn bị cải táng 
1 Trước hôm cải táng làm lễ cáo từ đường. Đến hôm cải táng, lại làm lễ khấn thổ công chỗ để mả mới 
2 Nhờ người tinh thông, chuyên thạo công việc xem cẩn thận phần Mộ xấu tốt thế nào, thi hài đã tan hết chưa
3 Quyết định thời gian nào phù hợp nhất? Chọn ngày lành tháng tốt, hợp với công việc. Chọn ngày Hoàng đạo hoặc ngày bất tương, kỵ nhất là ngày trùng tang. Bốc mộ mà gặp ngày trùng tang, con cháu sẽ lụi bại
4 Chọn hướng tốt và xây hầm mộ, hướng mộ theo mệnh người mất, nếu an táng chung trong khuôn viên lăng mộ của dòng họ thì bên trên theo hướng chung, bên dưới có thể dùng 24 cung sơn hướng điều chỉnh
5 Chuẩn bị trong Quan ngoài Quách theo khả năng của gia đình + 1vuông vải điều + 20 tờ trang kim + 50 lít nước Vang ( ngũ vị ) + 50 lít nước sạch + 2 lít rượu + 10 khăn mặt mới + 2 bàn chải to + 1 bàn chải đánh răng + 3 chậu to mới + 50 kg củi + bạt che gió,mưa,ánh sáng
6 Nên làm ban đêm, mùa đông đây là thời điểm âm chi trong âm rất phù hợp công việc cải táng 
7 Tuổi Nam kỵ tam hợp, tuổi Nữ kỵ tứ hành xung tránh mặt lúc mở nắp quan tài và khi hạ huyệt
8 Lễ xin Thần linh trước khi phá nấm,mở nắp,hạ huyệt.Sau khi xong lễ tạ chu đáo, chỗ huyệt mới và cũ đều rắc tiền vàng xuống đáy.



Bài 2
Sưu tầm từ bài viết của chuyên gia phong thuỷ Cầm Văn Khuê: 16/12/2015
     Nói tới Phong Thủy là bao gồm cả Dương Trạch và Âm Trạch. Dương Trạch là đất dùng vào mục đích làm nhà ở, đình chùa miếu mạo, thôn xóm làng mạc, thị trấn thành thị v.v… xây dựng các công trình của người sống. Dương Trạch phải hài hòa với thiên nhiên, có môi trường tốt, không khí trong lành, có ánh nắng, ánh trăng soi rọi khiến con người cảm thấy tươi vui hòa nhã, cơ thể sảng khoái. Còn Âm Trạch là đất dùng để xây cất phần mộ cho người đã chết (còn gọi là mồ mả), quan niệm của người xưa cho rằng nếu như tìm được một cuộc đất tốt về Phong Thủy, có huyệt Chân Long để tiến hành “Thổ Táng” hài cốt của tổ tiên thì con cháu sẽ được long khí của tổ tiên phù trợ, truyền được phúc cho con cháu hậu duệ, có thể hiển đạt hoặc giàu sang, danh tiếng lừng lẫy. Còn như táng vào hung địa thì ngược lại, con cháu sẽ gặp nhiều tai họa, bệnh tật v.v…
Âm Trạch tốt về Phong Thủy tức là dựa trên hình và thế của đất đai để chọn được một thế đất tốt, đầu mộ phải được tựa vào núi, chân mộ phải đạp ra sông, dòng chảy của sông đó từ bên nào tới và tới đó có tụ nước lại hay không thì khí tới đó gặp nước cũng mới tụ lại được, phương vị + hướng của cuộc đất đó có hợp với mệnh cung của người chôn ở mộ đó hay không (lưu ý là hướng của ngôi mộ được tính theo hướng của đầu người chôn trong mộ đó quay về đâu, chứ không phải người chôn trong mộ đó nhìn về đâu. Rất nhiều người hay bị nhầm lẫn ở điều này). Thuật Phong Thủy gọi hành động chiêm đoán hình thế đất đai là “Tầm Long Tróc Mạch – Tìm Rồng Bắt Mạch”, tức là kiến lập được thứ tự mạch lạc trong thế núi, thế đất tự nhiên. Do thế núi, thế đất có địa hình thiên biến vạn hóa nên phải “Tầm” và “Tróc” mới nắm được thứ tự mạch lạc của Long Mạch thì từ đó mới xác định được “Huyệt” (hay còn gọi là “Điểm Huyệt”) và chôn cất mộ phần xuống đó được.
Hiện nay, đa phần việc chôn cất đều có quy hoạch đưa vào nghĩa trang của thành phố, xã, làng… nên chúng ta không quá cầu kỳ phải “Tầm Long Tróc Mạch” mà lúc đó chúng ta nên quan tâm tới phương vị + hướng của miếng đất để chôn cất mồ mả. Âm Trạch cũng giống như Dương Trạch đều xác định phương vị + hướng mộ hợp theo mệnh cung của con người. Người Đông Tứ Mệnh thì hợp với hướng + phương vị Đông Tứ Trạch là: Khảm (Hướng Bắc), Chấn (Hướng Đông), Tốn (Hướng Đông Nam), Ly (Hướng Nam) và người Tây Tứ Mệnh thì hợp với hướng + phương vị Tây Tứ Trạch là: Càn (Hướng Tây Bắc), Đoài (Hướng Tây), Khôn (hướng Tây Nam), Cấn (Hướng Đông Bắc). Vậy trước tiên ta phải xác định được người mất đó thuộc Đông Tứ Mệnh hay Tây Tứ Mệnh mà tìm miếng đất có phương vị + hướng hợp với người mất đó.


Nhưng hiện nay do sự quy hoạch của nghĩa trang, các phần mộ đều phải quay chung về một hướng nhất định mà hướng đó không hợp với mệnh cung của người mất chôn ở mộ, thì lúc này ta phải tính theo phần đặt Quách (nếu là sang cát – bốc mộ) hoặc phần đặt quan tài (nếu là chôn một lần, không bốc mộ), khi đó ở phần đào chìm phía dưới đất (hay còn gọi là Kim Âm) ta sẽ đặt quách hay quan tài chéo đi bao nhiêu độ để được về hướng hợp với người chôn đó, khi đó phần mộ sẽ được tính theo hướng của quách hay quan tài dù rằng ở phần nổi bên trên chúng ta vẫn xây và đặt bia theo đúng hàng, đúng hướng của nghĩa trang.
Mặt khác cho thêm phần kỹ càng hơn thì chúng ta còn có cách khi đặt quách hay quan tài, ngoài việc đặt cho đúng hướng với phần mộ còn tính thêm “Phân Kim” chính xác là bao nhiêu độ. Việc “Phân Kim” này đòi hỏi phải thật chính xác (vì có tất cả 120 phân kim, mỗi phân kim tương ứng với 3”) và buộc phải là người có chuyên môn, có đầy đủ La Bàn, La Kinh để tính cho chính xác. Sự “Phân Kim” cũng chỉ căn cứ theo quy luật “tương sinh, tương khắc của Ngũ Hành và Can Chi”, tức là nếu người mất chôn dưới mộ có can, chi, ngũ hành gì thì khi “Phân Kim” mộ nên tính theo Can, Chi là các tam hợp, nhị hợp, tam ban, và Ngũ Hành là tương sinh hoặc tỳ hòa cùng Ngũ Hành như nhau.


Đa số người Phương Đông chúng ta đều tin rằng mỗi một địa phương đều có một vị Thổ Thần, thường gọi là “Thổ Địa”. Sau khi chôn cất tiền nhân, người ta đều mong rằng thần “Thổ Địa” sẽ đặc biệt chiếu cố cho tiền nhân của họ, cho nên khi cúng tổ tiên ở mộ phần, họ cũng đồng thời cúng vị thần “Thổ Địa” ở đó. Vì vậy khi muốn sửa sang lại mộ phần hoặc xây mới mộ phần ở địa phương đó họ đều phải xem ngày, xem tuổi của người đứng động thổ. Việc xem tuổi cũng giống như xem tuổi động thổ xây nhà Dương Trạch, xem họ có bị phạm Kim Lâu, Tam Tai, Hoang Ốc hay không.