Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

Ôn lại kỷ niệm gia đình

Chuẩn bị cho ngày mai làm lễ thất thất lai tuần (49 ngày) cho bố tôi. Đêm nay chị em con cháu người nằm giường, người nằm ghế, số còn lại dải chiếu nằm nền nhà. Các câu chuyện của gia đình từ những năm 1965 trở lại đây bắt đầu được ôn lại.
Bắt đầu là chị cả Lưu kể những kỷ niệm với Mẹ. Chuyện đi củi thuyền ban đêm từ 2 giờ sáng, hai mẹ con một thuyền chèo lên tới gần giáp ranh giữa tỉnh hòa bình và ninh bình cách nhà khoảng 7 km đường thủy. Nước lụt ngập mênh mông hai mẹ con bị lệch hướng lên cánh nghĩa địa. Cả hai mẹ con đều sợ nhưng mẹ Thám sốc lại tinh thần cho cả hai mẹ con đó là vừa chèo thuyền bằng chân vừa ngâm thơ Tố Hữu, rồi hát chèo.... sau đó hai mẹ con nhìn xem chỗ nào có ánh đèn dầu thì chèo tới. Nhưng 3-4 giờ sáng thì thuyền chài cũng tắt đèn đi ngủ hết. Loanh quanh đến gần sáng thì cũng phát hiện ra hướng đi của mình. Chị cả nói lúc đó chị hơn 10 tuổi, cũng rất sợ nhưng đành phải liều. May mà bấy giờ những năm 70 chưa có mộ xây như bây giờ, nếu không thuyền của hai mẹ con chắc chắn xô vào mộ thủng và đắm. Thời đó dân làng tôi có phong trào đi củi thuyền khi mùa lũ đến. Chỗ kiếm củi cách nhà từ 10-20km đường thủy, vì thế phải đi từ 2-3 giờ sáng thì tối mới về đến nhà.
Tiếp sau đó là các câu chuyện của chị hai, của tôi, rồi của cô út. Nhiều lúc chị em và các cháu cười phá lên, song cũng có lúc tự nhiên im bặt rồi chỗ này chị cả, chị hai sụt sịt chỗ kia cô út nằm trên ghế nghẹn ngào. Nước mắt tôi cứ chảy hết dòng này đến dòng khác.
Tôi cũng đóng góp hai mẩu chuyện với mẹ.
 Câu chuyện thứ nhất là bốc phân trâu trên đường cái cho mẹ trồng khoai. Đó là lúc tôi chừng 8-10 tuổi, hai mẹ con đi trồng khoai lang ở mảnh ruộng "cột km" đó là cột mốc km báo tt Nho Quan 5km cạnh đường 477 bây giờ cách nhà 1 km. Đang trồng thì hết phân chuồng, nếu để mẹ về gánh thì lên đến nơi rất là muộn, vì thế tôi bảo mẹ để con đi kiếm phân cho. Thế là tôi quẩy quang gánh lên đường cái để cho nhanh tôi lấy hai tay bốc những bãi phân trâu. Có những bãi trâu vừa thải ra còn đang nóng hổi, có những bãi lâu ngày đã có ròi, bọ tôi bốc tất. Thời bấy giờ khách đi đường chỉ toàn có người đi xe đạp, họ thấy tôi làm việc trên ai cũng khen sao có thằng bé chịu khó thế. Đó là một trong những việc thể hiện lúc còn bé tôi là một thằng bé rất nhanh nhẹn, dễ sai. Bà Nội gọi tôi là thằng "nhẹ mũi", Bà ví như con nghé dễ dắt.
Câu chuyện thứ hai: Lúc còn bé 3 anh em trai hay trêu chọc nhau, đánh nhau. Một hôm trêu nhau trò đánh rắm rồi bốc bỏ mũi nhau, sau đó đùa quá chớn dẫn đến đánh chửi nhau. Bố bắt 3 anh em nằm sấp xuống nền nhà, Bố cầm cái roi rất to rồi hò hét, lượn qua lượn lại rất lâu cuối cùng mới vụt mỗi con một roi thật đau. Về sau mẹ kể lại là mẹ đứng ngoài cười vì biết tính bố.
Tôi có rất nhiều kỷ niệm với Bố, vì sau khi Bố về hưu 1982 bố con dở nghề thả đó tôm ngoài sông, tối đến phải ngủ thuyền trên sông để coi đó. Vui có buồn có. Những lúc trăng thanh gió mát thì thật là thích, nhưng những đêm mưa gió, rét mướt thì thật là khổ. Nhớ nhất là trận mưa đầu mùa ngày 17/3/âm lịch khoảng năm 1985  -1988 , hôm đó trời sấm sét, mưa rất to và lâu. Hai bố con sốt ruột lo lắng vì sợ sét và sợ nước nhiều quá đắm thuyền, cứ thỉnh thoảng lại dậy tát nước thuyền. Ngày thường hai bố con tâm sự rất nhiều chuyện trên đời. Những kỷ niệm đó đối với tôi thật vô cùng quý giá.

Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

Danh sách các cụ đã mất (4 dời)

STT Họ và tên Năm sinh NS Âm lịch Mộ phần táng tại Ghi chú
1 Cụ cố ông: Quách Văn Nhu 1850 - 1860 Không rõ Mả ong Sinh khoảng: 1860
2 Cụ cố bà: Lê Thị Trọng Khoảng: 1860 Không rõ Đồng Trên không rõ mộ phần
3 Cụ ông: Quách Văn Mưu 1899 Kỷ Hợi Đồng Trên  
4 Cụ bà cả: Lưu Thị Kiệm Khoảng 1900 Không rõ Đồng Trên  
5 Cụ bà hai: Lý Thị Mùng 1905 Ất Tỵ Đồng Trên  
6 Cụ bà: Quách Thị Xương 1875-1880 Không rõ Đồng Trên  
7 Ông : Quách Văn Tạ 1934 Giáp Tuất Đồi Đất  
8 Bà: Đỗ Thị Thám 1935 Ất Hợi Mả Đào  
Tổng số:  8 cụ
Đức Long, ngày 01/5/2017
NGƯỜI LẬP DANH SÁCH
     Quách Văn Nguyện

Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

Thơ học trò cũ viếng bố


Người ta ví:  Thầy giáo là người chở đò còn học trò là khách.
Thế là Thầy đã đi rồi
Con đò để mặc dòng đời mênh mang
Thời gian cuồn cuộn thời gian
Cứ chào chào mãi có màng gì đâu
Học trò lớp trước lớp sau
Từ một lớp cứ nối nhau qua đò
Thời gian cứ chảy bơ phờ
Con đò Thầy vẫn đón đưa hàng ngày
Công cha nghĩa mẹ ơn Thầy
Chúng con tạc dạ không ngày nào quên
Chắc rằng trên cõi mênh mang
Cụ Quýnh đang thết rượu ông với trò

16h ngày 7 tháng 4 năm Đinh Dậu
Vũ Hữu Đích
Học trò lớp 2 -Đinh Phú Nhiêu  - 1958
Có vài lời tiễn Thầy giáo cũ.


                             Các ông: Trần Văn Chiêm, Vũ Hữu Đích, Lê Văn Thái học trò lớp 2 của Bố từ năm 1958 tại Đình Phú Nhiêu đọc thơ viếng Thầy giáo cũ.



Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

Lâm Giang Tiên - Tam Quốc Diễn Nghĩa

Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông 
Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng 
Thịnh suy, thành bại theo dòng nước 
Sừng sững cơ đồ bỗng tay không 
Núi xanh nguyên vẹn cũ 
Bao độ ánh chiều hồng 
Bạn ngư tiều dãi dầu trên bãi 
Vốn đã quen gió mát trăng trong 
Một vò rượu nếp vui bạn cũ 
Chuyện đời tan trong chén rượu nồng.


Bài thơ hay quá!

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2017

Thơ Xuân 2017

MẸ! 

Mỗi năm tết đến xuân về
Ngậm ngùi nhớ Mẹ đã về bên kia
Mẹ tôi - Người Mẹ kính yêu
Lam lũ vất vả ruộng đồng sớm hôm
Bèo rau, cám bã, tép tôm
Nấu rượu, nuôi lợn ôm am đủ điều
Bom Mỹ  - vớt cá quá liều (1)
Thuốc sâu chưa hết - đã liều lội ngay (2)
Đồng cao, đồng trũng, Mẹ hay
Chỗ nào hoang hoá ra tay cuốc cào
Rau, cà, khoai, sắn bốn mùa
Nhon bòn chắt bóp mệt nhoài vẫn tham
Tất cả dành hết chồng con
Chồng công tác tốt, con ngoan học hành
Đến khi con chớm trưởng thành
Mẹ mang bệnh tật rồi thời quy tiên
Ơn mẹ nước biển mênh mông
Con luôn ghi nhớ, in sâu trong lòng./.
                                                                     
                                         Đức Long, 23h30’ ngày 3/2/2017
                                                                              Quách Văn Nguyện
Chú giải:
       Bài thơ tôi viết về Mẹ tôi là Đỗ Thị Thám  với tất cả tấm lòng thành kính về Mẹ
      Mẹ tôi Sinh năm 1935 tại thôn Bồ Đình, xã Gia Vượng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
      Tạ thế: 19.4.2001.
       Bài thơ tôi gửi tham gia dự thi hội thơ xuân ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh Ninh Bình năm 2017.
(1)  Vào cuối năm 1971 Đế Quốc Mỹ đem bom bắn phá Miền Bắc trong đó có Cầu Đế gần nhà tôi. Cá ở dưới sông chết bom nổi rất nhiều. Mẹ tôi lúc đó đang mang thai tôi mặc dù tất cả dân làng không ai dám ra vớt cá thì chỉ có mình mẹ tôi với chiếc thuyền câu bé lao ra vớt cá trong giữa hai loạt bom của Mỹ. Sau này dân làng nói mẹ tôi là người liều nhất làng. Khi tôi lớn tôi hỏi mẹ thì mẹ bảo do mẹ ở gần cầu Đế chỗ Mỹ hay ném bom nên nắm được rõ quy luật giữa hai loạt bom của máy bay Mỹ thì mẹ mới dám liều như vậy.
(2)  Ruộng lúa vừa phun thuốc sâu xong đáng lẽ phải để một thời gian nhất định rồi mới được lội xuống làm cỏ lúa. Nhưng mẹ tôi một phần do coi thường là có sức khoẻ, phần nữa là do sốt sắng với công việc nên vẫn lội xuống ruộng ngay để làm cỏ lúa, đó cũng là một trong những nguyên nhân làm mẹ tôi mắc rất nhiều bệnh sau này và ốm mất năm 66 tuổi.